Sôi động thu hút FDI vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép trong 2 tháng đầu năm tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các dự án có quy mô không lớn, nhưng sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.

Sôi động ngay từ đầu năm

Tuần qua, có hai sự kiện đáng chú ý liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại TP.HCM. Đó là sự kiện Khu công nghệ cao TP.HCM ký kết hợp tác với Công ty Siemens EDA (thuộc Tập đoàn Siemens) để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và việc Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) của Hà Lan hoàn thành công đoạn chuẩn bị để đưa máy móc phục vụ đóng gói chip vào hoạt động tại nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Tuy nhiên, Đồng Nai mới là địa phương có hoạt động thu hút đầu tư sôi động nhất trong 2 tháng đầu năm tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ trong vòng 1,5 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã cấp phép cho 27 dự án đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dự án cấp mới và tăng vốn) với tổng vốn đầu tư 439 triệu USD. Những tên tuổi lớn tiếp tục đặt niềm tin đầu tư vào Đồng Nai như SLP, Nestlé, Hyosung, Kenda…

Trao đổi về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai (Diza) hồ hởi cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, đã thu hút 439 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 62,74% kế hoạch năm 2024 (700 triệu USD) và gần 1.940 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 96,98% kế hoạch năm 2024 (2.000 tỷ đồng). Như vậy, nhiều khả năng chỉ hết tháng 3, Diza sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2024.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, dù thu hút đầu tư nước ngoài không còn tăng cao như những năm trước, nhưng TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn nằm trong top những tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước trong 2 tháng đầu năm. Ngoài các địa phương đã “quen mặt” với nhà đầu tư đã kể trên, Bình Phước đang nổi lên như một điểm đến đầu tư mới.

Ngày 12/3 tới, Bình Phước sẽ tổ chức Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – tỉnh Bình Phước năm 2024. Hiện tại, Diễn đàn đã có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham).

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, đây là diễn đàn đầu tiên EuroCham cùng tổ chức trong năm 2024. Việc chọn Bình Phước là tỉnh đầu tiên tổ chức Diễn đàn cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đang nhìn thấy cơ hội đầu vào vào địa phương này.

Công nghệ cao sẽ chiếm ưu thế

Một điều dễ nhận thấy là, danh sách dự án cấp phép đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2024 tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu là các dự án nhỏ và vừa, đầu tư chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là dự án của Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng vốn 278 triệu USD. Tiếp đến là Dự án SLP Park Lộc An Bình Sơn tại huyện Long Thành (Đồng Nai) do Sea Fund I Investment 14 Pte. Ltd (Singapore) thuộc Tập đoàn Global Logistics Partner (GLP) đầu tư, tổng vốn đăng ký 121,4 triệu USD.

Ông Nguyễn Trí Phương cho biết, các dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp phép vào Đồng Nai là những dự án sử dụng công nghệ mới, không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo ông Gabor Fluit, trong đoàn doanh nghiệp châu Âu đến tham dự Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – tỉnh Bình Phước tới đây, sẽ có các nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, du lịch, tài chính ngân hàng và năng lượng tái tạo.

“Điều này cho thấy, doanh nghiệp châu Âu đang hướng dòng vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao mà nhiều địa phương phía Nam muốn thu hút đầu tư”, ông Gabor Fluit nhận định.